1. Lịch sử ra đời của Yamato:
Sau Thế Chiến I, các cường quốc đã ký vào một thoả ước hạn chế phát triển Hải quân - thoả ước Washington Naval Treaty. Theo thoả ước này, mỗi nước chỉ được phát triển một số tàu chiến trong quota nhất định, thậm chí số pháo và kích cỡ đạn pháo cũng bị hạn chế. Nhật và Đức là 2 nước cảm thấy bất công nhất, khi quota của mỗi nước chỉ bằng phân nửa của Hoa Kỳ và Anh.
Để lách Hiệp ước, Nhật đưa ra kế hoạch đóng những chiếc tàu thật lớn, lấy lượng choán nước bù cho hạn chế số lượng. Và thế là lớp tàu Yamato ra đời, với lượng choán nước tới 73'000 tấn, lớn nhất thế giới hồi bấy giờ.
Lớp tàu này ban đầu dự tính là 5 chiếc, nhưng chỉ có 2 chiếc hoàn thành là Yamato và Musashi. Chiếc thứ 3 - Shinano - đang đóng dở thì Nhật thua trận Midway, và nhận thấy Không quân có quá nhiều ưu thế trong hải chiến, nên Shinano được cải biến thành Hàng không mẫu hạm.
2. Thiết kế tàu, pháo và giáp:
Với dự kiến hoả lực của tàu phải hoàn toàn áp đảo mọi đối thủ trên biển, nên sau nhiều cân nhắc, cuối cùng dàn pháo 460 mm, tầm bắn xa đến 42 km, mỗi viên đạn nặng tới 1'460 kg được chọn làm pháo chính cho tàu.
Nhằm đảo bảo mật độ đạn có thể phủ được một diện tích mục tiêu 300x300 trong ba loạt bắn, nên số pháo chính được tính là 9 khẩu, làm thành 3 tháp pháo 3 nòng. Ngoài số pháo chính này, Yamato còn có 6 khẩu 155 mm, 12 khẩu 125 mm. Tàu được bảo vệ bởi 24 nòng phòng không 25 mm và 13 khẩu đại liên 12.8 mm.
Do lực giật của các khẩu pháo chính đã rất lớn, mà còn phải cộng thêm lực giật của toàn bộ khẩu pháo phụ, nên để tàu chịu được lực giật ngang của nguyên dàn, Yamato phải có chiều rộng tới 40m, và tương ứng là dài tới 263m.
Với kích thước lớn như vậy, lượng giáp được dùng cho tàu cũng rất lớn. Đai giáp thấp (dưới mặt nước) của tàu cũng là cơ cấu chịu lực, dày tới 410 mm, viền ngoài lớp giáp chung 355 mm. Độ dày giáp này cho phép chịu được ngư lôi tới 410 kg TNT. Trong khi đó, giáp bọc tháp pháo còn dày hơn, tới 650 mm, khiến mỗi tháp pháo chính nặng tới 3'000 tấn.
Tàu có 2 điểm tiến bộ về thiết kế so với thời ấy: thiết kế mũi nhọn dưới nước cho phép giảm lực cản tới 8%, và bánh lái đơn dưới đáy tàu cho phép bán kính quay của tàu chỉ là 640 m (so với 800 m của Iowa của Mỹ, loại tàu nhỏ hơn nhiều).
3. Đời binh nghiệp của Yamato:
Chiếc Yamato được đóng từ năm 1937, và đến năm 1941 hoàn thành. Sau giai đoạn thử nghiệm, Yamato chính thức được đưa vào phục vụ với vai trò là soái hạm của Hạm đội liên hợp Nhật Hoàng dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Isoroku Yamamoto (một chỉ huy hàng đầu của quân đội Nhật Bản thời bấy giờ, cũng là người chỉ huy kế hoạch đánh Pearl Habour).
Là soái hạm, nên Yamato ít có cơ hội tham chiến, mà chủ yếu nằm trong cảng Truk, Kure và vài cảng khác của Hạm đội, đến nỗi binh lính và sĩ quan của Hải quân Nhật gọi nó là "Khách sạn Yamato". Đến khi được điều sang vai trò chuyển quân, Yamato mới có cơ hội chạm súng đầu tiên cuối tháng 12 1943. Không may là trên đường tới Phillipin, nó bị tàu ngầum USS Skate bắn trúng 2 phát ngư lôi vào mạn sau, lại phải về cảng Truk để sửa chữa.
Đến tháng 6/1944, Yamato mới được tham gia trận chiến Biển Philippin, tuy nhiên cũng chỉ được đứng ngoài nhìn 3 chiếc HKMH cùng phe bị đánh chìm cùng với hơn 500 máy bay. Đến tháng 9/1944, khi di chuyển cùng Hạm đội Trung tâm tới Vịnh Leyte, thì hạm đội bị tàu ngầm Mỹ chặn đánh ở eo Palawan. Vì soái hạm Atago, bị đánh đắm, nên Yamato lần nữa được cắm cờ soái. Đến trận tiếp theo ở biển Sibuyan, thì trong khi chiếc Musashi cùng lớp bị đánh đắm, thì Yamato bị dính 3 quả bom xuyên từ máy bay của HKMH USS Essex, lại phải về cảng sửa chữa.
3. Cú Kamikaze cuối cùng:
Từ trận Hải chiến Biển Philipin, Hải quân Nhật đã mất một nửa số HKMH, và đến trận vịnh Leyte thì coi như toàn bộ hạm đội Nhật đã không còn máy bay để che đầu nữa. Vì lý do đưa các tàu chiến ra khơi quá rủi ro, nên Yamato đành chịu số phận nằm cảng, làm khách sạn của mình.
Trong suốt mùa xuân và mùa hè 1945, nước Nhật bắt đầu rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Để làm chậm bước tiến chắc chắn của Đồng Minh, không quân Nhật đã chuyển qua dùng chiến thuật Kamikaze. Và cứ mỗi phi công bay đi, được chúc phúc bằng một chén rượu và sau đó có tên trên đài phát thanh, để được ca ngợi là một anh hùng.
Ngày 1/4/1945, Okinawa bị chiếm. Lúc này, Hải quân Nhật chỉ còn lại một chiếc tàu lớn đáng kể là Yamato. Dưới áp lực hy sinh của Không quân, Bộ chỉ huy Hải Quân Nhật cũng phải có hành động tương tự. Và thế là Yamato được quyết định sẽ là cú Kamikaze cuối cùng... Chiến dịch Ten-Go.
Tối ngày 6/4, sau nghi thức quốc ca và bữa rượu tiễn biệt, Yamato nhổ neo cùng với chiếc hộ tống hạm Yahagi và 8 chiếc khu trục hạm khác, nhắm hướng Okinawa tiến tới. Trong đêm, 3'000 thuỷ thủ và sĩ quan, trừ một nhóm trực, được uống sake suốt đêm và hò hát. Họ biết rõ chuyện gì đang chờ đợi.
Sáng ngày 7/4, khi vừa tới đầu vịnh Ryuku, họ bị máy bay của Hải quân Mỹ phát hiện. Người Mỹ dự đoán được ý đồ của nhóm tàu, và chuẩn bị quây đánh bằng 11 chiếc HKMH cùng vài chục chiếc tàu hỗ trợ.
Lúc 12:30 trưa cùng ngày, khi nhóm tàu Yamato còn cách Hạm đội Mỹ tới 300 km, thì đợt không kích đầu tiên bắt đầu. Với hơn 400 máy bay và hoàn toàn không phải đối đầu với một chiếc máy bay nào, người Mỹ đặt tự do áp đặt cách đánh.
Để đối lại, Yamato không có cách nào hơn là tăng tốc độ lên 25 knots, vừa tìm cách cơ động tránh bom, vừa cố gắng đáp trả bằng các khẩu đội phòng không của mình hy vọng là tới gần Hạm đội Mỹ để khai hoả các khẩu 460 mm không lồ của mình trước khi thất bại hoàn toàn.
Bằng máy bay, người Mỹ đặt mục tiêu tách nhóm tàu Yamato ra, hạ những chiếc khu trục hộ tống trước, sau đó đánh sập các khẩu đội phòng không và cuối cùng là kết liễu Yamato.
Lúc 12:45, chiếc Yahagi bị bắn vào khoang máy và sau đó dính liền 6 quả ngư lôi thả từ máy bay. Cùng thời gian, hai chiếc khu trục hạm Hamakaze bị Suzutsuki bị đánh hỏng. Yamato, mặc dù rất cố gắng cơ động, nhưng cũng bị dính vài chục quả bom trên mặt boong. Nhờ lớp giáp của mình, chỉ có 2 quả xuyên thép gây thiệt hại ít nhiều.
Đến 13:20, sau khi đã khử xong các tàu đi kèm, các máy bay Mỹ tập trung quây đánh Yamato. Trong đợt oanh kích này, Yamato bị dính 15 quả bom xuyên cùng với 8 quả ngư lôi. Đáng kể nhất trong đó là một quả đánh sập khoang chỉ huy phòng không, và từ đây các khẩu đội của Yamato phải tự ứng chiến, không còn tạo thành lưới lửa chiến thuật như lúc đầu nữa, nên giảm hiệu quả rõ rệt.
Đến 13:30, khoang điều khiển cân bằng tàu bị bom đục xuyên vào. Vì thế, khi bị dính một quả ngư lôi vào mạn trước ngay sau đó, thì nó không tự xả nước cân bằng được nữa. Thế là nước tràn vào một khoang trước, kéo mũi tàu chúi xuống. Để tránh bị chìm, chỉ huy tàu đành cho xả nước vào khoang máy phía sau, khiến toàn bộ thuỷ thủ trong khoang này chết chìm, còn tàu trở thành mục tiêu cố định.
Từ đây, các máy bay Mỹ tập trung đánh bằng ngư lôi vào mạn dưới, nơi giáp mỏng nhất, và cuối cùng một quả ngư lôi đã đục thủng thành công một khoang hông. Tàu bị vào nước, và vì không có khả năng cân bằng được nữa, nó từ từ bị kéo nghiêng sang một bên. Đến 14:20, nó lật ngửa trên mặt nước. Những khẩu pháo 3'000 tấn rơi ra khỏi tàu, đạn rơi khỏi khoang và bị kích nổ. Lúc 14:23, một hình nấm lớn bung lên từ con tàu, cắt nó thành 2 mảnh. Vụ nổ lớn đến nỗi 2 chiếc máy bay Mỹ quan sát trên đầu bốc cháy theo.
Sau khi đánh chìm Yamato, các máy bay Mỹ bỏ đi. Ba chiếc khu trục hạm còn lại, tuy bị hỏng, nhưng còn vớt được 280 thuỷ thủ sống sót của Yamato và quay về. Những người này, vì đã không hy sinh trong chiến trận, đã bị đối xử như tù binh sau đó.
Và Yamato, từ niềm tự hào Nhật Bản, trở thành quốc tang.
ngoccup - xcafevn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét